Núi Cấm An Giang là ngọn núi cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long và được mệnh danh là “Đà Lạt” thu nhỏ của miền Tây. Hiện nay, núi Cấm là một địa điểm du lịch giải trí, hành hương thu hút rất nhiều du khách trong và ngoại tỉnh. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn kinh nghiệm du lịch và leo núi Cấm An Giang đầy đủ, chi tiết nhất.
Núi Cấm ở đâu?
Núi Cấm hay còn được gọi là núi Ông Cấm hay Thiên Cấm Sơn. Nơi đây thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên khoảng 90km và cách thành phố Châu Đốc gần 40km. Núi Cấm nằm ở độ cao 705m so với mực nước biển, được coi là ngọn núi cao nhất đồng bằng sông Cửu Long
Nhiều người đoán non đoán già cái tên đặc biệt của núi Cấm. Cái tên này đã gắn bó với lịch sử núi Cấm từ xa xưa. Người xưa cho rằng có nhiều giả thuyết tạo nên sự tích núi Cấm An Giang. Dù là cách giải nghĩa như nào thì cũng đều có lý lẽ, căn cứ riêng của mình.
Núi Cấm là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của An Giang. Nơi đây không chỉ có núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn là điểm đến lý tưởng cho những người thích hành hương. Đến với núi Cấm An Giang, bạn sẽ trở về chốn thanh tịnh, an yên trong tâm hồn cũng như hòa mình cùng với bầu không khí trong lành.
Hướng dẫn đường đi núi Cấm An Giang
Để đến được núi Cấm trước hết bạn cần xác định được từ TPHCM đi Châu Đốc bao nhiêu km? Câu trả lời chính là khoảng 200km, hơn nữa vì phải đi qua phà nên thời gian di chuyển sẽ mất khoảng chừng 4-5 giờ đồng hồ. Vậy từ TPHCM đi Châu Đốc đường nào gần nhất? Hãy cùng tham khảo cung đường dưới đây:
Từ TPHCM bạn di chuyển vào đường quốc lộ 62 sau đó đi thêm khảong chừng 40km thì rẽ phải vào đường ĐT837. Thấy phòng văn hóa thông tin huyện Tân Thạnh thì rẽ trái sau đó đi thêm khoảng 29km qua cầu Nguyễn Văn Tiếp – Đồng Tháp. Tiếp tục di chuyển vào đường ĐT844 khoảng 45km thì rẽ phải vào đường quốc lộ 30.
Từ đây đi thêm khoảng 4km rẽ phải để đi phà Vàm Cống. Sau khi đi phà bạn rẽ phải vào đường TL954 rồi đi thêm 10km thì rẽ trái, đi thẳng khoảng 5.5km thì rẽ trái để vào đường ĐT951.
Từ đây đi thêm khoảng 12km sẽ đến phà Châu Giang. Đi phà này sẽ tới trung tâm thành phố Châu Đốc. Từ thành phố Châu Đốc, bạn theo đường quốc lộ 91 đến chợ Nhà Bàng, sau đó rẽ trái vào tỉnh lộ 948 đến An Hảo, sẽ thấy biển chỉ dẫn đến khu du lịch Núi Cấm. Đây chính là cung đường đi Châu Đốc gần nhất và thường được nhiều người lựa chọn.
Còn nếu xuất phát từ thành phố Long Xuyên thì bạn cứ theo quốc lộ 91 đến khu công nghiệp Bình Hòa. Sau đó bạn rẽ trái đến Tri Tôn theo tỉnh lộ 948, rồi rẽ phải đến An Hảo là có thể thấy chỉ dẫn đến khu du lịch Núi Cấm An Giang.
Nên đi leo núi Cấm ở An Giang thời điểm nào?
Sau khi tìm hiểu Sài Gòn đi Châu Đốc bao nhiêu km bạn cũng nên quan tâm đến thời điểm nào thích hợp nhất để du lịch núi Cấm. Bạn có thể ghé tới khu du lịch núi Cấm An Giang bất kì thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, theo như kinh nghiệm leo núi Cấm của nhiều người thì từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau được xem là thời điểm lý tưởng nhất.
Mặc dù là vào mùa mưa thế nhưng nếu may mắn đi leo núi vào những ngày nắng khô thì bạn sẽ có cơ hội tắm suối Thanh Long cực mát lạnh đó! Khí hậu mát mẻ, dễ chịu cũng thích hợp để bạn có thể săn mây từ trên đỉnh núi cao. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm ở núi Cấm thường tổ chức rất nhiều những hoạt động lễ hội truyền thống thu hút đông đảo du khách.
Bạn lưu ý là vào ngày 23 – 24/4 Âm lịch là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ. Ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch là lễ hội Đua bò bảy núi Tết Dolta của ngươi dân tộc Khmer. Vào thời điểm này, Núi Cấm ở An Giang sẽ nhộn nhịp người đến hành hương, cúng bái. Buổi tối ở đây sẽ được giăng đèn sáng rất lung linh và rực rỡ.
Đi leo núi Cấm An Giang cần chuẩn bị gì?
Vì leo núi Cấm bạn hoàn toàn có thể leo trong ngày, chính vì vậy mà việc chuẩn bị những đồ dùng cần thiết thường đơn giản hơn rất nhiều. Nếu như còn đang không biết đi leo núi trekking cần chuẩn bị những gì thì hãy cùng tham khảo những gợi ý dưới đây:
- Giày đi trekking (êm ái, độ bám tốt)
- Balo du lịch (nhỏ gọn, có nhiều ngăn đựng)
- Gậy leo núi
- Bình đựng nước uống
- Đồ ăn nhẹ
- Găng tay chống nắng
- Kem chống nắng
- Thuốc xịt côn trùng
Núi Cấm có gì đẹp, có gì chơi?
Chùa Vạn Linh núi Cấm An Giang
Chùa Vạn Linh có tên gọi khác là chùa Lá được khai sơn vào năm 1927. Ngôi chùa này được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền của phương Đông với ba ngọn tháp đặt ở ba nơi khác nhau của tiền đường. Đó là: Tháp Quan Âm 9 tầng cao 35m ở giữa, tháp Hoà thượng khai sơn Thích Thiện Hạ Quang 3 tầng ở bên phải và tháp chuông 9 tầng với quả đại Hồng chung nặng 1,2 tấn ở bên trái.
Chùa Vạn Linh núi Cấm An Giang nằm ở độ cao 550m so với mực nước biển, phía trước nhìn ra hồ Thủy Liêm. Trên đường leo núi Cấm An Giang bạn có thể dừng chân để hành hương tại ngôi chùa linh thiêng này.
Hành hương ở chùa Phật Lớn
Chùa Phật Lớn là một ngôi chùa rất nổi tiếng ở núi Cấm nói riêng và An Giang nói chung. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1912, còn có một tên gọi khác là Thiền Viện Chùa Phật Lớn. Điều đặc biệt và làm nên hình ảnh của chùa đó chính là bức tượng Phật Di Lặc núi Cấm với chiều cao lên tới 33,6m.
Phật Di Lặc ở núi Cấm đã được Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là bức tượng Di Lặc lớn nhất Việt Nam. Bên trong tượng còn tạo thành nhiều hang động với lối vào kỳ bí, thu hút du khách đến tham quan, khám phá.
Hồ Thủy Liêm
Nếu đi cáp treo nhìn xuống từ trên cao, bạn có thể dễ dàng nhận ra trung tâm của khu du lịch đó chính là hồ Thủy Liêm. Hồ có diện tích lên đến 60.000m2, tạo nên khí hậu mát mẻ và cảnh quan trữ tình cho không gian nơi đây.
Khi đến du lịch Châu Đốc – núi Cấm bạn đừng quên ghé thăm hồ Thủy Liêm và chụp hình với hàng ngàn con cá vàng bơi trong hồ. Đây được coi là một trong những điểm du lịch An Giang thu hút khách du lịch. Trên hồ có Bảo tháp Xá Lợi Phật có lối kiến trúc độc đáo càng làm tăng thêm vẻ đẹp cho khuôn viên núi Cấm.
Ngắm toàn cảnh trên vồ Bồ Hong
Vồ có thể là từ lạ đối với nhiều bạn nhưng thực chất đây là từ để chỉ một chỏm cao trên dãy núi. Ở núi Cấm Châu Đốc An Giang có rất nhiều vồ và được người dân đặt với tên khác nhau. Trong đó cao nhất là vồ Bồ Hong 705m. Theo dân gian, khi xưa ở đây có nhiều loại côn trung là bồ hong nên gọi với cái tên này. Sau khi chinh phục được đỉnh núi bạn sẽ dừng chân ở vồ Bồ Hong và ngắm nhìn khung cảnh xung quanh.
Đỉnh Bồ Hong trên núi Cấm được coi là cao nhất trong Thất Sơn (tức vùng bảy núi An Giang). Bảy núi này bao gồm: Núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài, núi Tượng, núi Két, núi Nước và núi Dài Năm Giếng.
Nhìn từ trên cao, An Giang hiện lên với những ngọn núi hùng vĩ, những cánh đồng lúa trù phú trải dài tạo nên một hình ảnh vô cùng ấn tượng. Trên vồ Bồ Hong có tượng thờ Ngọc Hoàng đại đế linh thiêng. Bạn nhớ ghé qua để tham quan và chiêm bái.
Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm An Giang
Khu du lịch Lâm Viên nằm dưới chân núi Cấm trên diện tích 100ha. Tại khu du lịch ở An Giang này có đầy đủ các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Vào những ngày đại lễ, khu du lịch Lâm Viên núi Cấm An Giang sẽ có biểu diễn ca múa nhạc Chăm – Hoa – Khmer cùng với nhiều tiết mục ca nhạc, ảo thuật đặc sắc khác. Khu câu cá giải trí là nơi bạn có thể giành thời gian thư giãn, thử sức mình. Hay khu vui chơi thiếu nhi chắc chắn sẽ là điểm đến yêu thích của trẻ nhỏ.
Tắm suối Thanh Long
Đến với, khu du lịch An Giang bạn đừng quên ghé thăm dòng suối trong vắt chảy giữa lưng chừng núi – suối Thanh Long. Đây là suối khoáng tự nhiên nên rất thích hợp để tắm mát, giải nhiệt giữa mùa hè nóng bức. Trên đường leo núi Cấm An Giang, bạn nhớ ghé qua suối để rửa mặt, giúp cho tinh thần tỉnh táo hay hòa mình vào làn nước mát mẻ. Đặc biệt, nếu đi vào mùa mưa bạn còn có thể được tắm suối nữa đấy!
Lịch trình leo núi Cấm An Giang 1 ngày
Mặc dù hiện nay đã có cáp treo núi Cấm An Giang (giá cáp treo núi Cấm 180.000đ/người lớn – 90.000đ/trẻ em) thế nhưng có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ thường lựa chọn phương án leo núi trekking núi Cấm để vừa rèn luyện sức khỏe lại vừa có những trải nghiệm thú vị.
Đánh giá về con đường lên núi Cấm An Giang thì sẽ là độ dễ, trung bình. Bạn sẽ không phải lo lắng nếu mình không đủ sức khỏe hay chưa nhiều kinh nghiệm. Phượt núi Cấm An Giang dễ thở hơn núi bà Đen Tây Ninh nhiều bởi đường đi đa số là đường mòn, không quá hiểm trở, khó khăn.
Theo như kinh nghiệm leo núi Cấm An Giang của nhiều người trước đây thì có 2 con đường để bạn có thể chinh phục được đỉnh núi:
- Cung đường 1: đi đường bậc thang. Cung đường này có rất nhiều các hàng quán ở 2 bên đường nên bạn sẽ không phải lo bị lạc. Tuy nhiên, nếu đi theo đường bậc thang bạn sẽ không được ngắm nhìn cảnh đẹp của núi Cấm. Hơn nữa, với những ai thích chinh phục độ cao thì sẽ không thấy khoái lắm đâu!
- Cung đường 2: đoạn đường này đa phần là đường mòn nên khá dễ đi. Hơn nữa, trên đường di chuyển bạn còn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng và còn có cơ hội tắm suối Thanh Long.
Tiếp theo, mình sẽ chia sẻ lịch trình leo núi Cấm An Giang tự túc của bọn mình để bạn tham khảo nhé!
8h sáng, bọn mình đặt chân đến chân núi Cấm An Giang. Đường đi không quá dốc, rợp bóng cây xanh mát cùng với những tiếng chim tíu tít như gọi mời. Trên đường đi, bạn có thể khám phá những địa điểm như Vồ Đầu, Vồ Bà, Vồ Bạch Tượng, hang Ông Hổ, hang Thanh Xà – Bạch Xà,…
Gần 11h trưa, bọn mình đến chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm. Sau đó dừng chân tại đay để ăn trưa, nghỉ ngơi rồi lấy lại sức. Sau đó, tiếp tục di chuyển đến chùa Phật Lớn. Đây chính là điểm dừng chân quen thuộc của bất cứ ai khi ghé thăm núi Cấm.
14h chiều là thời điểm mình chinh phục đỉnh núi, chính là Vồ Bồ Hong. Trên đoạn đường này, do chọn cung đường mòn nên mình đã phải vượt qua một con dốc 45 độ. Với những người nhiều kinh nghiệm thì chướng ngại vật ấy chẳng đáng là bao. Đứng từ đỉnh cao nhìn xuống sẽ thấy toàn bộ hình ảnh núi Cấm hiện ra đẹp như trong tranh.
Chúng mình ở trên đây đến 15h thì leo xuống. Đến gần 18h kịp trời chưa tối là xuống được chân núi rồi.
Trên đây là những chia sẻ của mình về chuyến leo núi Cấm An Giang cùng những thông tin bổ ích về ngọn núi này. Hi vọng rằng bạn sẽ có một chuyến đi thật vui vẻ và nhiều trải nghiệm tại địa điểm thú vị này!